“Thao túng tâm lý” là thuật ngữ đang gây sốt cộng đồng mạng hiện nay. Đối với gen Z, “thao túng tâm lý” dùng để chỉ việc cảm xúc cá nhân bị đánh lừa bởi chính bản thân hoặc người khác trong các hoạt động đời thường nhằm mang tính chất gây cười.
Nhưng thực sự “thao túng tâm lý là gì” và các chiêu trò thao túng tâm lý lừa đảo khách hàng trên thị trường BĐS, cùng Smartland tìm hiểu trong bài viết bên dưới nhé!
Khái niệm thao túng tâm lý là gì?
“Thao túng tâm lý”, theo Healthline, là một hình thức lạm dụng cảm xúc, kiểm soát hoặc đánh lừa đối phương bằng cách khiến họ tin rằng niềm tin và nhận thức của họ là sai.
Thông qua việc bóp méo các sự thật liên quan đến đối phương hoặc là các hành vi bạo hành tâm lý đối với đối phương nhằm mục đích thâu tóm cảm xúc của họ, chiếm quyền kiểm soát các hành vi, thái độ hoặc là các lợi ích, đặc quyền nào đó từ nạn nhân.
Nạn nhân của hành vi thao túng tâm lý sản sinh ra các loại cảm xúc tiêu cực như tội lỗi, sợ hãi, thất bại… Một nghiên cứu năm 2013 chỉ ra lạm dụng tình cảm có thể gây hại tương tự việc lạm dụng thể chất, bởi cả hai đều có thể hạ thấp cái tôi, lòng tự trọng và gây trầm cảm.
Việc thao túng tâm lý này tạo ra sự mất cân bằng về địa vị, quyền lực của đôi bên và người thực hiện hành vi có thể lợi dụng việc này để yêu cầu nạn nhân làm những việc có lợi cho bản thân.
Thao túng tâm lý khách hàng: Rao dự án ở quận 10 nhưng dẫn khách xuống Bình Dương
Mới đây, một đối tượng vừa bị Công an quận 10 (TP.HCM) xử phạt hành chính vì sử dụng mạng xã hội để tung thông tin sai lệch về lĩnh vực kinh doanh BĐS.
Người bị xử phạt là trưởng nhóm kinh doanh của Cty BĐS Đại An Lộc, đã lợi dụng trang Facebook “Đất nền quận 10” để rao bán dự án đất nền tại ngã tư Tô Hiến Thành và Thành Thái (phường 14, quận 10). Nhờ có vị trí đẹp nên dự án thu hút rất nhiều sự quan tâm của khách hàng.
Khi có khách hàng liên hệ, họ sẽ cho họ xem hình ảnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, pháp lý dự án, bản đồ phân lô bán nền,… để chứng tỏ dự án đó thực sự là hợp pháp. Tin lời môi giới, khách hàng sẽ được sắp xếp tư vấn trực tiếp tại trung tâm hội nghị quận Phú Nhuận.
Tại buổi gặp gỡ, nhân viên Công ty Địa ốc Đại An Lộc sẽ nói ngắn gọn về dự án tại Quận 10 và dần dần chuyển sang giới thiệu và quảng bá một dự án khác tại tỉnh Bình Dương.
Sau khi mắc bẫy của người môi giới, nhiều nạn nhân đã trình báo sự việc với cảnh sát. Cơ quan chức năng đã vào cuộc. Thông tin trên trang Facebook “Đất nền quận 10” về nút giao thông Tô Hiến Thành và Thành Thái qua quá trình xác minh là chưa có pháp lý để triển khai. Trưởng nhóm kinh doanh Công ty Địa ốc Đại An Lộc là người chịu trách nhiệm về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật.
Thao túng tâm lý khách hàng: Kẻ tung, người hứng
Những thủ thuật, chiêu trò của môi giới BĐS luôn là chủ đề được mọi người bàn tán. Bên cạnh các ý kiến lên án phương thức kinh doanh thiếu minh bạch, chộp giật của các cá nhân, công ty môi giới, nhiều người đặt câu hỏi vì sao trên báo chí và mạng xã hội đã phản ánh những chiêu trò đó mà vẫn có người mắc bẫy.
Trước đó, Cafeland đã đăng tải một đoạn vạch trần thủ đoạn “cò đất” sử dụng để thu phục “con mồi” của mình. Đây đều là những màn kịch được dựng lên đầy công phu để dẫn dụ khách hàng.
Để mời được khách đến với sự kiện mở bán, trước đó “cò đất” phải xây dựng hình ảnh bản thân cực kỳ uy tín bằng cách tư vấn kỹ lưỡng, chuyên nghiệp, đồng thời nêu “chính sách” công ty, cung cấp giấy tờ, pháp lý dự án “trực tiếp” tại “văn phòng” của công ty trước khi đưa khách đi xem công trình.
Trên thực tế, địa điểm được gọi là “văn phòng” của công ty là một trung tâm tổ chức sự kiện.
Sau khi đến với địa điểm tư vấn, khách hàng sẽ được đưa đến bàn của “quản lý cấp cao” và được nâng cao dịch vụ “chăm sóc khách hàng” bởi các nhân viên môi giới vây quanh. Điều này gây sức ép tâm lý rất lớn đến khách hàng, khiến họ khó lòng từ chối và buộc phải ở lại để lắng nghe giới thiệu sản phẩm, nhất là các khách hàng có tâm lý yếu.
Đặc biệt, trong quá trình thao túng tâm lý sẽ có sự xuất hiện của một “vị khách hàng”. Vị này tự xưng là chuyên gia đầu tư, luôn tìm cách bắt chuyện với các khách hàng có nhu cầu thật để “chia sẻ kinh nghiệm và bàn luận về chuyện đầu tư”. Trong quá trình tư vấn, vị nhân viên luôn viện cớ lấy tài liệu để tạo cơ hội cho các khách hàng trò chuyện và thảo luận.
Vị khách “chuyên gia” này cũng giúp nhà môi giới điều hướng bằng cách thường xuyên bày tỏ ý kiến cá nhân, “chê” các sản phẩm mà khách hàng thực tế muốn tìm hiểu và điều hướng về các sản phẩm “tiềm năng” hơn. Quá trình “kẻ tung, người hứng” giữa người môi giới và vị khách diễn ra vô cùng ăn ý khiến khách hàng không khỏi lúng túng.
Ngay cả khi khách hàng từ chối xem sản phẩm được giới thiệu, nhà môi giới sẽ chuyển đổi chiến lược thao túng tâm lý, hứa hẹn sẽ cùng khách hàng đến xem sản phẩm mà họ muốn tìm hiểu sau khi “ghé qua” dự án “tiềm năng” bởi lý do “tiện đường”. Khách hàng sẽ được đưa lên xe “đi tỉnh” và được “chăm sóc” bởi vô số môi giới khác nếu họ đồng ý lời đề nghị của môi giới.
Khi khách hàng đã có mặt tại dự án, họ sẽ được tham gia “lễ hội chốt đất” với môi giới “vắt chân lên chạy”, loa đài ầm ĩ, khung cảnh náo nhiệt trong khi MC liên tục thông báo “chốt cọc”.
Yếu tố chính để “chốt hạ” được vị khách hàng đó là các chính sách hấp dẫn về giao dịch mà họ nhận được khi đồng ý như: cọc giữ đất và hoàn tiền khi đổi ý. Nếu chưa đạt được giao dịch, môi giới sẽ lấy lý do trì hoãn việc đưa khách hàng quy lại thành phố, gây lo lắng và bất an cho nạn nhân.
Cần phạt nặng hơn những kẻ thao túng tâm lý khách hàng để phạm pháp
Tuy các cơ quan ban ngành, chức năng đã đặt ra các quy định về việc hành nghề môi giới nhưng các cá nhân, đơn vị nhỏ lẻ vẫn tìm cách lách luật để hoạt động trái pháp luật.
Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thị trường bất động sản thường xuyên có những đợt tăng nóng về giá đất tại các địa phương, nhất là trong giai đoạn đầu năm 2021 – đầu năm 2022. Sau khi có tin tức về việc tăng giá đất tại địa phương, tình trạng sàn, trung tâm giao dịch bất động sản mọc lên như nấm.
Tất cả các sàn hay công ty môi giới bất động sản này đều làm việc “ngoài luồng”, có nghĩa là họ không tuân thủ các yêu cầu pháp lý của hoạt động kinh doanh và môi giới bất động sản.
Sự việc nói trên vẫn tồn tại bất chấp các cơ quan chức năng đã nỗ lực khắc phục và xử phạt các bên, đơn vị vi phạm. Mới đây nhất, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn video clip tại Bình Phước quay cảnh hàng chục người tranh nhau đấu thầu lô đất vẫn đang trồng cao su.
Nhiều người cho rằng đây là một màn kịch mà đại lý bất động sản dựng lên nhằm “lùa gà”. Sau khi nhận được thông tin, chính quyền địa phương đã vào cuộc điều tra. Trước đó, một công ty môi giới bất động sản trước đó tại Bình Phước đã bị phạt hành chính 100 triệu đồng vì vi phạm kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản.
Theo quy định của Nghị định 16 / NĐ-TTg do Chính phủ ban hành, các cá nhân, đơn vị vi phạm luật môi giới bất động sản có thể bị phạt tới 200-250 triệu đồng.
Tiếp theo ý kiến đóng góp của cử tri các tỉnh, Bộ XD đã chủ trì việc nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để trình Quốc hội trong các kỳ họp sắp tới.
Nguồn: Cafeland
Tìm hiểu chi tiết về thao túng tâm lý và các chiêu trò lừa đảo vui lòng liên hệ:
- Công ty TNHH Bất Động Sản Smartland
- Địa chỉ: 92 Nguyễn Hữu Cảnh Phường 22 Quận Bình Thạnh
- Hotline: 0916 25 78 25