Chính thức khởi công từ tháng 3/2020, công trình cầu Mỹ Thủy 3 đang gấp rút hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để đưa vào khai thác, dự kiến trước lễ 30/04/2021.
Tổng quan dự án hạ tầng cầu Mỹ Thủy 3, nút giao Mỹ Thủy
Dự án xây cầu Mỹ Thủy 3 có chiều dài 325m, phần cầu chính dài 75m, được chia làm 2 nhánh, mỗi nhánh 12m. Đoạn đường dẫn vào cầu dài 250m, rộng 24m phân thành 6 làn xe.
Cầu được bố trí sàn giảm tải và bề mặt trải bê tông nhựa dày 7cm. Các công trình phụ trợ cầu Mỹ Thủy 3 gồm vỉa hè, hệ thống thoát nước và chiếu sáng.
Cầu Mỹ Thủy 3 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM làm chủ đầu tư với tổng mức vốn gần 57 tỷ đồng, chính thức đi vào khởi công hồi tháng 3/2020.
Cầu Mỹ Thủy 3 nằm trong dự án nút giao Mỹ Thủy giai đoạn 2.
Giai đoạn 2 gồm có 3 hạng mục chính, gồm: cầu Mỹ Thủy 3 (nằm giữa cầu Mỹ Thủy 1 và 2), cầu vượt rẽ trái từ cảng Cát Lái đi cầu Phú Mỹ gồm 2 làn xe, dài 725m với 2 làn xe và cầu Kỳ Hà 4 nằm trên nhánh rẽ phải từ cầu Phú Mỹ về Cát Lái gồm 4 làn xe, tổng chiều dài 75m.
Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 2 hơn 1.400 tỷ đồng, trong đó vốn xây lắp 1.087 tỉ đồng, chính thức khởi công từ cuối tháng 12/2019. Được biệt, các hạng mục sẽ thi công tùy thuộc vào tiến độ giải phóng mặt bằng ở Quận 2.
Hiện nay, cầu Mỹ Thủy 1 và 2 mỗi cầu chỉ cho 2 làn xe ô tô và 1 làn xe máy. Sau khi hoàn thành, cầu Mỹ Thủy 3 sẽ cùng với cầu Mỹ Thủy 1 và cầu Mỹ Thủy 2 nâng tổng chiều rộng lưu thông thành 60m cho 10 làn xe ô tô và 2 làn xe máy lưu thông. Điều này giúp phương tiện qua lại nút giao thông Mỹ Thủy thuận lợi hơn ở cả hai hướng từ đường Nguyễn Thị Định qua Đồng Văn Cống và ngược lại.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (TCIP), nút giao thông Mỹ Thủy nằm ở giữa trục Vành đai 2, đường Nguyễn Thị Định và Đồng Văn Cống, khi hoàn chỉnh sẽ tách tất cả xe gắn máy không di chuyển vào nút giao giúp giảm thiểu tai nạn giao thông và xóa kẹt xe vào khu vực cảng Cát Lái. Công trình nút giao gồm có 4 tầng: tầng 1 là hầm chui rẽ trái từ vành đai 2 đi Cát Lái; tầng 2 là mặt vòng xoay; tầng 3 là cầu vượt trên vành đai 2 với 8 làn xe và tầng 4 là cầu vượt Cát Lái rẽ trái về cầu Phú Mỹ (quận 7).
Được biết trước đó, nút giao Mỹ Thuỷ đã hoàn thành giai đoạn 1 với tổng mức vốn đầu tư gần 840 tỷ đồng. Các hạng mục gồm xây cầu Kỳ Hà 3 cho 4 làn xe, hầm chui rẽ trái từ đường Vành đai 2 đi cảng Cát Lái cho 2 làn xe và cầu vượt trên đường Vành đai 2 cho 4 làn xe.
>>> Xem thêm: Chuẩn bị khởi công dự án 1A đường Vành đai 3 TP HCM
Cập nhật tiến độ thi công cầu Mỹ Thủy 3 mới nhất
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (TCIP), cho biết dự án đạt hơn 90% khối lượng, tính đến đầu tháng 1/2021. Trong điều kiện không bị ảnh hưởng mặt bằng, chủ đầu tư và đơn vị thi công đã gấp rút đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án.
Bất động sản quanh nút giao Mỹ Thủy sẽ ra sao?
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng, nơi nào có hạ tầng phát triển mạnh mẽ sẽ kéo theo sự phát triển bứt tốc giá trị thị trường bất động sản.
Xa lộ Hà Nội tiếp tục là trục giao thông huyết mạch ở cửa ngõ Đông Bắc của thành phố, nối liền TP HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ, miền Trung và miền Bắc. Ngoài ra, song song việc hợp tác với tỉnh Đồng Nai để sớm triển khai thi công dự án cầu Cát Lái nối Quận 2 (TP HCM) và huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), thành phố còn đang xúc tiến một loạt dự án xây dựng các tuyến đường kết nối xung quanh cầu này.
Ví dụ như, TP HCM đã đưa vào kế hoạch đầu tư nâng cấp – mở rộng tuyến đường Đồng Văn Cống, đoạn từ giao lộ Mai Chí Thọ đến phà Cát Lái; dự án mở rộng tuyến đường đi xuyên cảng Cát Lái kết nối với Quận 9; dự án xây dựng nút giao thông Mai Chí Thọ – Đồng Văn Cống,…
Như vậy, công trình cầu Mỹ Thủy 3 là lực đẩy chính yếu tạo niềm tin cho các nhà đầu tư bất động sản về vấn đề giải quyết ùn ứ giao thông tại khu vực Cát Lái (Quận 2) nói riêng, cửa ngõ giao thương của khu Đông nói chung đang tồn tại, đồng thời tạo nên một cú bật mới cho thị trường giao dịch nhà ở gần với công trình nút giao nghìn tỷ này.
“Hạ tầng liên tục được đầu tư mở ra một viễn cảnh “vàng” cho bất động sản khu Đông, trong đó yếu tố cửa ngõ, kết nối liên vùng đã tạo cho bất động sản khu vực này một vị thế đặc biệt. Trong năm 2021, giá trị bất động sản phía Đông thành phố chắc chắn sẽ tiếp tục thăng hạng cùng với tốc độ phát triển của khu vực, và người hưởng lợi đầu tiên chính là các nhà đầu tư thứ cấp”, ông Châu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cũng theo HoREA, Chính phủ đã có thay đổi một số cơ chế chính sách mới phù hợp và mang tính bước ngoặt. Trong năm 2021, thị trường bất động sản khu Đông TP HCM nói riêng và cả nước nói chung sẽ tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng trở lại nhanh hơn, bền vững hơn, cả trong trung hạn và dài hạn.